Truyền thống nhà trường

Đăng lúc: 10:04:15 27/02/2023 (GMT+7)

Trường THCS Tân Phúc- 53 năm xây dựng, phát triển.

 

LỊCH SỬ 53 NĂM XÂY DỰNG  VÀ PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG THCS  TÂNPHÚC   

( Từ năm 1965 đến nay)

 

I. VÀI NÉT VỀ ĐỊA PHƯƠNG.

1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên.

Xã Tân Phúc nằm ở phía Bắc của huyện Nông Cống, giáp  với huyện Triệu Sơn, cách trung tâm huyện Nông Cống 12km, cách thị trấn Giắt của huyện Triệu Sơn 12km về phía Nam. Phía Bắc giáp xã Đồng Lợi và Đồng Thắng của huyện Triệu Sơn, phía Nam giáp xã Hoàng Sơn và  xã Trung Chính, phía Tây giáp xã Tân Thọ và xã Tân Khang. Là một xã thuộc vùng đồng bằng của huyện Nông Cống, Tân Phúc có diện tích tự nhiên là 703 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 303 ha, đất đồi núi 216,5 ha, còn lại là đất ao hồ, thổ cư và các loại đất khác. Tổng số dân toàn xã là  5228 người  phân bố ở 8 thôn ( tính đến thời điểm 5/2018).

2. Truyền thống lịch sử văn hóa.

          Tân Phúc là quê hương có truyền thống lịch sử và văn hóa gắn liền với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Đảng bộ và nhân dân xã Tân Phúc đã  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Đó chính là niềm tự hào mà mỗi người con Tân Phúc mang theo trong hành trang của cuộc sống hôm nay.

 Hệ thống giáo dục từ nhà trẻ, Mầm non, Tiểu học, THCS phát triển mạnh. Hiện nay trường Tiểu học và THCS đã hoàn thành công tác PCGD. Hằng năm số học sinh tốt nghiệp các cấp, đậu đại học, cao đẳng ngày càng tăng cao

Toàn xã đã có 100% thôn, làng khai trương và công nhận đơn vị văn hóa. Xã được công nhận hoàn thành công tác xóa nạn mù chữ năm 2007, trường tiểu học, THCS đã hoàn thành công tác PCGD. Hệ thống giáo dục đủ các cấp học từ nhà trẻ, mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn quốc gia.

 Thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Nhân dân xã Tân Phúc không ngừng phấn đấu đi lên, xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm khang trang,  hiện đại hóa giao thông nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Chất lượng cuộc sống được nâng cao. Địa phương đang phấn đấu  để được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2020.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG TRONG 53 NĂM QUA.

1 Quá trình hình thành

Trong  giai đoạn  từ  năm 1930 đến năm 1945  Tân Phúc là một xã lớn bao gồm 3 xã ( Tân Phúc- Tân Thọ - Tân Khang) trên địa bàn xã chỉ có lớp tiểu học.

Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1965, miền Bắc được giải phóng và xây dựng XHCN, toàn Đảng toàn dân không chỉ xây dựng XHCN mà còn  tập trung sức người, sức của cùng nhân dân miền nam đấu tranh giải phóng miền nam thống nhất đất nước . Giáo dục Việt Nam tiếp tục được chăm lo phát triển về hệ thống trường học  và chất lượng giáo dục. Xã Tân Phúc được tách từ xã lớn và thuộc đơn vị hành chính trực  thuộc cấp huyện, tuy đơn vị xã được thành lập, giáo dục được quan tâm nhưng suốt thời gian từ năm 1954 đến năm 1965 trên địa bàn xã Tân Phúc vẫn chưa có trường cấp 2.

Năm học 1965- 1966 trường cấp 2 Tân Phúc được thành lập có 2 lớp, 1 lớp 5 và 1 lớp 6 với hơn 70 học sinh  do cô Lê Thị Trịnh quê ở Trường  Sơn, Nông Cống làm Hiệu trưởng.

Từ năm  1966 đến  năm 1968 trường cấp 2 Tân Phúc lại tháp nhập  lại cùng 3 xã  Phúc –Thọ - Khang  học tại  xã Tân Thọ và được gọi là  trường cấp 2 Tân Thọ  do thầy Trần Văn Thẩm ( quê Tế Lợi)  làm hiệu trưởng

Năm học 1968- 1969 trường cấp 2 Tân Phúc lại tách ra từ trường cấp II Tân Thọ và từ năm 1969 đến năm 1976 được gọi là trường cấp II Tân Phúc.

Từ năm 1969- 1971 Hiệu trưởng nhà trường  là thầy Nguyễn Đức Nghệ

( quê Tân Thọ)  

Từ năm 1971 đến năm 1976  Hiệu trưởng nhà trường  là thầy

Lê Duy Nguyện ( quê Tân Thọ)

Từ năm  1976 đến năm 1993 trường  cấp 1, cấp 2 Tân Phúc  tháp  nhập lại và đặt tại trường cấp 1 hiện nay với tên gọi trường PTCS Tân Phúc.

Từ năm 1976 đến năm 1982, Hiệu trưởng nhà trường  là thầy

Ngọ Đình Tuần (quê Tân Khang)  

Từ năm 1982 đến năm  1985, Hiệu trưởng nhà trường  là thầy

 Nguyễn Hữu Đang (quê Tân Phúc)

Từ năm  1985 đến năm 1991, Hiệu trưởng nhà trường  là cô

Nguyễn Thị Đặng ( quê Tân Thọ)

Từ năm  1993 đến nay trường cấp II được tách từ trường PTCS với tên gọi trường THCS Tân Phúc. Trường được xây dựng tại khu hợp tác xã nông nghiệp  đóng tại địa bàn thôn 4 xã Tân Phúc.

 2 Quá trình xây dựng và phát triển:

Năm học 1965- 1966 trường cấp 2 Tân Phúc được thành lập có 2 lớp: 1 lớp  5 và 1 lớp  6 với hơn 70 học sinh.  Lớp học tranh tre  được đặt tại  thôn 5 nơi nhiều gò bãi, thuận tiện xây hào lũy, hầm trú ẩn tránh bom đạn do đế quốc Mĩ oanh tạc

        Từ năm 1968 đến năm 1975 trường được đặt tại trường Tiểu học  hiện nay. Lớp học chủ yếu là tranh tre, nhà trường có từ lớp 5 đến  lớp 7 mỗi khối có  1 đến 2 lớp ( 40-50 học sinh). Giặc Mỹ tiếp tục leo thang bắn phá, oanh tạc miền Bắc, các lớp học nhiều năm phải sơ tán với những lán học tranh tre tạm thời. Nhân dân cả nước nói chung , nhân dân Tân Phúc nói riêng với sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ vẫn hăng say lao động sản xuất, xây dựng dất nước, tập trung sức người, sức của cùng nhân dân Miền Nam giải phóng đất nước. Giáo dục vẫn được chăm lo và phát triển mọi mặt. Năm 1973, khu trường 10 phòng ngói cấp 4 được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đời sống khó khăn do giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Khó khăn chồng chất khó khăn, các thế hệ thầy trò vẫn chuyên cần học tập,  rèn luyện, phấn đấu, chất lượng dạy và học không ngừng nâng cao. Nhà trường có nhiều học sinh đạt giải cấp huyện trong các kỳ thi, tỉ lệ đậu tốt nghiệp cấp 2 luôn đạt từ 80% trở lên. Nhiều thế hệ học sinh thành bác sỹ, thợ lành nghề, nhiều học sinh rời mái trường trở về lao động sản xuất xây dựng quê hương và có nhiều thế hệ học sinh lên đường nhập ngũ trở thành  thanh niên xung phong, anh bộ đội cụ Hồ có mặt trên khắp các mặt trận giải phóng miền nam và trở thành sỹ quan quân đội: ( Lê Văn Bình, Lê Văn Dương…) , có anh chị ra đi không trở về hoặc để  một phần cơ thể nơi chiến trường, máu của các anh chị tô thắm ngọn cờ độc lập dân tộc , góp vào trang sử hào hùng của dân  tộc và  làm nên một dáng đứng Việt nam hôm nay có một phần đóng góp của các thế hệ học sinh con em của quê hương Tân Phúc chúng ta.

       Từ năm 1975 đến năm 1993 đất nước được giải phóng toàn Đảng, toàn dân tập trung mọi nguồn lực tiếp tục xây dựng đất nước, cơ sở dạy học được tăng cường, đội ngũ giáo viên chủ yếu là 10+3, CĐSP. Trường  cấp 1,cấp 2 Tân Phúc  tháp nhập  lại gọi là trường Phổ thông Cơ sở và đặt tại trường Tiểu học bây giờ.

       Nối tiếp truyền thống hiếu học, vượt khó trong lao động sản xuất xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, các thế hệ học sinh Tân Phúc không ngừng lớn lên và trưởng thành trong mọi lĩnh vực. Nhiều thế hệ học sinh tiếp nối sự nghiệp trồng người và phấn đấu trở thành cán bộ quản lý ( Cao Văn Dũng, Trần Thị Biên, Nguyễn Khắc Trường….) nhiều học sinh trở thành bác sỹ, kỹ sư ( Nguyễn Bá Chuyên, Nguyễn Khắc  La…)  nhiều học sinh trở thành công nhân, thợ lành nghề, chủ doanh nghiệp giàu cho gia đình ,cho quê hương ( Lê Công Hà, Lê Văn Tình..) đặc biệt là thế hệ học sinh tham gia học tập khoa học kỹ thuật trong các trường chuyên nghiệp hoặc tham gia nghĩa vụ quân sự về xây dựng quê hương và thành cán bộ chủ  chốt ( Nguyễn Hữu Bích, Lê Đình Hùng ,Lường Viết Bính, Lê Đình Chuyên …)

Từ năm 1993 đến nay Trường PTCS Tân Phúc được tách ra thành trường tiểu học và THCS, tên gọi trường THCS Tân Phúc ra đời từ đó .Trường được đặt ở khu hợp tác xã trên địa bàn thôn 4 (chính là khu trường hiện nay) với diện tích 5214m2.  Cơ sở vật chất xuống cấp, đặc biệt là phòng học dược tận dụng từ các phòng kho của khu hợp tác xã nông nghiệp. Thiếu giáo viên ( chủ yếu là thiếu toán- lý), trình độ chuyên môn còn hạn chế, chủ yếu là trình độ 7+3, 10+ 3 và một số có trình độ CĐSP . Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt nhưng chất lượng dạy và học vẫn duy trì và phát triển.

- Từ năm 1993 đến năm 1997, Hiệu trưởng nhà trường là thầy

Nguyễn Hoàng Vũ ( Quê ở Đông Sơn).

- Từ năm  1997  đến năm 1999, Hiệu trưởng nhà trường  là thầy

Lê Văn Tình  ( quê ở Trung Thành )

- Từ năm  1999 đến năm  2004, Hiệu trưởng nhà trường  là thầy

Lê Đình Vạn   ( quê ở Tân Khang )

- Từ năm  2005 đến năm 2015, Hiệu trưởng nhà trường  là thầy Nguyễn Đình Phương ( quê ở Tân Khang )

- Từ năm  2015 đến nay,  Hiệu trưởng nhà trường  là  thầy Đỗ Văn Cương ( quê ở Tân Khang )

        Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, trước sự xuống cấp của cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh. Xuất phát từ sự cần thiết cấp bách đó từ năm 2005 đến nay Đảng bộ , HĐND xã đã xây dựng kế hoạch , tập trung nguồn nhân lực huy động nhân dân xây dựng khu phòng học 2 tầng 8 phòng học với đầy đủ bàn ghế hệ thống điện, quạt ,bảng chống lóa với kinh phí  gần 1 tỷ đồng.

Năm 2007 từ nguồn nhân sách xây dựng nhà hiệu bộ giá trị hơn hai trăm triệu đồng.

Năm 2010 với sự năng động, phấn đấu xây dựng và phát triển kinh tế và  sự quan tâm của cấp trên, nhà trường  tiếp tục xậy dựng khu phòng học 2 tầng 6 phòng học từ nguồn trái phiếu chính phủ và nhân dân đóng góp. Không chỉ xây dựng các phòng học,  Đảng bộ , HĐND, UBND bằng nhiều nguồn ngân sách, huy động sức dân, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên mua sắm thêm trang thiết bị học tập: ( Phòng học tin học với  20 bộ máy vi tính, máy chiếu đa năng, đàn oocgan, lắp đặt thiết bị 2  phòng học bộ môn Lý-Công nghệ và Hóa- Sinh…).

Với sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự đồng thuận chung tay tích cực của nhân dân, đặc biệt là tinh thần vượt khó hết lòng vì học sinh thân yêu, sự cố gắng học tập, rèn luyện của các em học sinh, năm 2013 nhà trường được công nhận trường THCS đạt chuẩn quốc gia.    

Đội ngũ thầy cô hàng năm được bổ sung đủ về số lượng, cơ cấu bộ môn và trình độ đào tạo. 100% có trình độ chuẩn hóa ( CĐSP) tỷ lệ đạt trên chuẩn được nâng lên đến nay có gần 100% cán bộ giáo viên đạt trên chuẩn, nhiều thầy cô nhiều năm đạt giải giáo viên giỏi cấp huyện( Cô Hằng, thầy Thắng, cô Hoa, thầy Khánh…). Công tác tự học tự bồi dưỡng, đúc rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi giáo viên và luôn luôn được coi trọng. Có nhiều  SKKN được xếp loại cấp huyện, cấp tỉnh, nhiều thầy cô có học sinh giỏi cấp huyện tham gia đội tuyển như thầy Hoàng, thầy Tùng, Cô Hằng ,cô Ninh… có học sinh đạt giải cấp tỉnh thi vào chuyên Lam Sơn ( cô Giang). Đội ngũ quản lí thầy Phương ,Cô Hường luôn  đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Điều kiện học tập ngày càng đảm bảo, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác giáo dục được nâng lên , phụ huynh quan tâm hơn đến việc học hành của con em tạo điều kiện cho chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Tỉ lệ học sinh yếu kém giảm, tỉ lệ lên lớp luôn đạt 97- 100%. Tỉ lệ TNTHCS từ 90- 100%, tỉ lệ khá giỏi từ 35- 45%, số học sinh đạt giải cấp tỉnh hàng năm có từ 1- 2 em.

Các đoàn thể nhà trường luôn đạt tiến tiến cấp huyện, chi bộ đạt trong sach vững mạnh , nhà trường liên tục đạt tiến tiến cấp tỉnh, cấp  huyện. Tập thể giáo viên nhà trường là một khối đoàn kết. Đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết hết lòng vì học sinh thân yêu đã được cấp trên  ghi nhận bằng những thành tích, danh hiệu thi đua:  Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm như thầy Nguyễn Đình Phương và  Thầy Đỗ Văn Cương hiệu trưởng nhà trường , cô Lương thị Hường liên tuc nhiều năm  đạt danh hiệu lao động tiên tiến cấp huyện , Thầy Lê Đình Khánh đạt  giáo viên giỏi cấp huyện . Nhiều thầy cô giáo  nhiệt tình giảng dạy và tìm tòi sáng tạo trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đã  hoàn tành xuất sắc nhiệm vụ được giao như  Thầy Khánh, Cô Ninh, Cô Hằng .Tổ chuyên môn hoạt động nghiêm túc và chất lượng  với 2 tổ trưởng: Cô Lê Thị Tuyết- Tổ KHXH và Cô Trần Thị Ninh- Tổ KHTN  nhiệt tình và giàu kinh nghiệm  .Trong  các cuộc thi viết sáng kiến kinh nghiệm và dạy học tích hợp , vân dụng kiến thức liên môn  trong giảng dạy nhiều thầy cô giáo đã có những thành tích cao như thầy Trần Thanh Tùng   đã có đề tài đạt giải cấp Quốc gia được Bộ Giáo dục khen thưởng và nhiều thầy cô giáo có đề tài được giải cấp tỉnh  như cô Giang ,cô Hà , cô Cúc, cô Ninh ,cô Hằng ,thầy Giang ..

        Chất lương học tập của học sinh được nâng lên .Chất lượng đại trà được đảm bảo đội ngũ học sinh giỏi ngày càng tăng  có học sinh nhiều năm liên tục đạt giải qua các kì thi như em Lê Công Sơn ( đạt giải Nhì cấp tỉnh môn Toán ) em Lê Thị Thu , em Đỗ  Ngọc Văn  em Nguyễn Thị Hằng  Nga , em Lê Thị Tươi,  em Vũ Thị  Mai Linh và rất nhiều em khác nữa đã đạt nhiều giải ở nhiều môn học khác nhau.  Các em chính là những bông hoa đẹp đã mang về niềm tự hào cho nhà trường

       Chi bộ Đảng nhà trường luôn sáng suốt đề ra những chủ trương , nghị quyết kịp thời , sự đoàn kết và thống nhất cao là tiền đề cho mọi hoạt động của các tổ chức khác trong nhà trường như  công đoàn,  đoàn thanh niên . Công đoàn  thực sự là tổ ấm của cán bộ giáo viên là nơi quan tâm chia sẻ tâm tư, tình cảm, bảo vệ chế độ quyền lợi cho người lao động. Với những thành tích đạt được chi bộ nhà trường được huyện ủy Nông Cống khen thưởng chi bộ 5 năm liên tục trong sạch vững mạnh. Đội thiếu niên đã có những thành tích xuất sắc được cấp trên ghi nhận và khen thưởng nhiều năm liền. Đăc biệt  dưới sự hướng dẫn của cô Trần Thị Hiền, thầy Lê Đình Khánh, thầy Vũ Duy Kiên là các Tổng phụ trách Đội ở các năm học, đội thiếu niên đã có những đóng góp tích cực, đưa hoạt động của đội vào nề nếp, học sinh chăm ngoan và nề nếp tự quản tốt.

Năm học 2017- 2018, sau 5 năm duy trì các tiêu chuẩn của trường THCS đạt chuẩn quốc gia, để đảm bảo các điều kiện được công nhận lại trường THCS đạt chuẩn quốc gia lần thứ 2,  nhà trường đã  tích cực và chủ động tham mưu với  chính quyền địa phương, kêu gọi sự chung tay góp sức của phụ huynh học sinh và các nhà hảo tâm đã huy động  gần 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, phấn đấu được  công nhận trường THCS Tân Phúc đạt chuẩn quốc gia lần thứ 2 vào tháng 6 năm 2018.

Trong suốt chặng đường từ khi trường thành lập đến nay, cùng với thế  hệ các thầy cô làm công tác quản lý, các thế hệ nhà giáo như  như thầy Vân , cô Thu, cô Nguyên (quê Tân Ninh) thầy Sang, cô Trinh (quê Trung Ý). Thầy Trướng, thầy Nguyên, cô Chung, thầy Huy, thầy Vận, thầy Du, cô Tuyết (quê Tân Thọ). Thầy Lô, cô Phương, cô Nơi, thầy Thái, thầy Hiếu, (quê Tân Khang) và nhiều thầy cô ở vùng miền quê khác như: thầy Giang, thầy Tùng  cô  Hà, cô Huyền ,cô Cúc , cô Tình ,cô Hằng  cô Ninh  Cô Giang   thầy Hùng  Thầy Vĩnh  ..đã cống hiến tuổi thanh xuân ,với tâm huyết và sự sáng tạo cho sự nghiệp giáo dục địa phương Tân Phúc chúng ta.

        Khắc phục mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu trong giảng dạy, yêu nghề, mến trẻ ,các thầy cô đã  giáo dục, rèn luyện , vun đắp ước mơ hoài bão cho nhiều thế hệ học sinh, giúp các em  trưởng thành. Ngày hôm nay chúng ta ôn lại những chặng đường đã qua nhiều thầy cô đã về hưu trên các vùng quê cùng con cháu, cũng có thầy cô đã về cõi vĩnh hằng cùng tổ tiên, nhiều thầy cô vẫn đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục xã nhà, các thế hệ và nhân dân Tân Phúc luôn biết ơn, ghi nhận công lao to lớn của các thầy cô, kính chúc các thầy cô mạnh khỏe và  thành đạt trong mọi lĩnh vực đời sống .

Với hành trang 53 năm truyền thống xây dựng và phát triển nhà trường, với đội ngũ các cán bộ giáo viên năng động, tâm huyết, giàu trí tuệ, với đội ngũ cán bộ, viên chức hết lòng vì sự nghiệp chung, với sự hợp tác chặt chẽ có hiệu quả giữa  nhà trường và cha mẹ học sinh, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ và nhân nhân địa phương,  chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn trở ngại để xây dựng trường Trung học cơ sở Tân Phúc  - ngôi nhà chung của tất cả chúng ta, nơi thắm đượm tình thương và trách nhiệm, lòng bao dung và nhân ái - luôn giữ vững danh hiệu  trường THCS đạt chuẩn Quốc gia, duy trì  chất lượng tốt,  thực hiện sứ mệnh: “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, xây  dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và hội nhập quốc tế. Xây dựng quê hương Tân Phúc giàu đẹp, văn minh.

Xin kính chúc , các thầy cô giáo và các em học sinh sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

 

                                                 Trường THCS Tân Phúc, tháng 5, năm 2018